AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Ac Dieu

ImageProxy.gif

Vô Ngã.

 

     Đạo sĩ

 

     Giáo lý Vô Ngã là một trong những giáo lý quan trọng nhất của Phật Giáo, nhất là Phật Giáo Nguyên Thủy. Nó làm cho Phật Giáo khác với các tôn giáo khác.Trong khi các tôn giáo khác đều chấp nhận sự hiện hữu của một thực thể tinh thần, siêu hình, hoặc một con người ở bên trong của các hữu tình chúng sinh thường được gọi là bản ngã hay linh hồn thì Phật Giáo lại phủ nhận hay bất khả tri về cái được cho là linh hồn hay bản ngã thường hằng.

 

          Học giả Richard Kenedy viết :”Theo giáo lý Thiên Chúa,Hồi Giáo và Do Thái Giáo thì : Mỗi linh hồn sẽ bị xét xử vào ngày tận thế… Chính Linh Hồn là cái sẽ quyết định cá nhân ấy hoặc bị trừng phạt tại Hỏa Ngục hoặc được ban thưởng một cuộc sống vĩnh hằng trên Thiên Giới .” Nhưng Đạo Phật lại cho rằng không có một cái gì được xem là linh hồn hay cái ngã thực thường hằng như vậy !

 

     Chính sự khác biệt như vậy nên giáo lý Vô Ngã đã là giáo lý bị hiểu lầm nhiều nhất, bị giải thích sai nhiều nhất và bị bóp méo nhiều nhất trong số những lời dạy của Đức Phật !

 

     Những tranh luận về giáo lý Vô Ngã dường như dựa trên sự sợ hãi sâu xa về việc phủ nhận sự hiện hữu của một Linh Hồn. Người ta thường rất quí sự sống của họ vì thế họ muốn rằng phải có một cái gì đó trường cửu , bất diệt và thường hằng bên trong họ. Phải có một Đấng cao cả nào đó có quyền năng vô tận để ban phát ,cứu giúp họ cho họ một cuộc sống đời đời . Họ  tự hỏi điều gì sẽ xảy ra với họ trong tương lai  và họ mang một nỗi sợ hãi về sự diệt vong.

 

     Vô Ngã theo Phạn Ngữ là Anatta gồm một tiếp đầu ngữ là” an” nghĩa là không cộng với atta là tự ngã hay linh hồn nên thường được dịch là Vô Ngã. Tuy nhiên, atta lại có một tầm ý nghĩa rộng hơn như linh hồn (soul),cái tôi (ego),con người (being), tự ngã (self). . .

 

      Atta theo nghĩa đen là cái lõi bên trong của bất kỳ vật gì như cái lõi của một cái cây ,cái lõi là phần cứng nhất hàm ý sự tồn tại lâu dài ,nó cũng hàm ý là phần tốt nhất của một vật gì, phần được xem là tinh chất, trong sạch chân thật và bền lâu.

 

     Một nghiã khác của Atta là quyền lực ,là khả năng bắt người khác` phải tuân theo ý mình. Nó là quyền lực cao nhất, là chủ tể của chúng ta, nó là tác nhân của hành động và qua đó chúng ta thọ hưởng hạnh phúc hay khổ đau.

 

    Theo Đức Phật thì không có cái gì chúng ta có thể gọi là cái lõi bên trong vĩnh hằng và hạnh phúc như vậy và cũng không có gì chúng ta có thể kêu cầu để vận dụng quyền lực của họ đối với bản chất của  các pháp.Trong đạo Phật không có người làm hay người tác` Nghiệp ngoài Nghiệp và cũng không có người Cảm Thọ ngoài Cảm Thọ.Không có gì hoặc không có người nào có quyền lực tuyệt đối vì vạn vật đều phó mặc cho sự sáng tạo và hoại diệt không ngừng của các pháp hữu vi. Cái hạt nảy ra mầm thành cái cây, cái cây chết đi để lại cái hạt,cái trứng nở ra con chim, con chim chết để lại cái trứng ,cái mầm sống tạo ra con người, con người chết đi để lại cái mầm sống. . . Cứ thế vạn vật luân chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác ,sinh sinh diệt diệt không ngừng . Sự việc này được gói gọn trong câu :Vạn Pháp vô thường có sinh thì có diệt. Ai không rõ được cái chân lý của vũ trụ gọi là Mê. Rõ được cái lý thật của vũ trụ gọi là Tỉnh.

 

    Trở lại vấn đề Vô Ngã, Đức Phật dạy rằng chúng sinh hữu tình ngoài Thân và Tâm ra không có cái gì gọi là Atta. Chúng ta là một hợp thể gốm năm uẩn : Sắc, Thọ ,Tưởng, Hành , Thức. (Một đơn vị có sự tập hợp lại của ba phương diện thời gian :Quá khứ, hiện tại và tương lai thì được gọi là một Uẩn )

 

    Trong đó Sắc hay Thân là sự kết hợp của 4 chất:Chất đặc như thịt, xương, chất lỏng như mồ hôi, máu me,chất nóng như nhiệt độ và sự chuyển động như hít thở không khí, nhà Phật gọi là tứ đại (Đất, nước gió lửa). Sắc là những cái dễ bị thay đổi ,nó có thể được thấy ở bên ngoài như núi non ,sông biển ,cây cối ,nơi các hữu tình chúng sanh và nơi tất cả các hiện tượng vật chất.

 

    Tâm là sự hội hợp của những hỉ ,nộ, ai ,lạc, ái ,ố ,dục. . . những tri giác,suy tưởng ,khái niệm, những tình cảm oán giận, thương, vui mà nhà Phật gọi là Thọ, Tưởng , Hành ,Thức. trong đó:

 

    Thọ là cảm thọ ,thọ lạc ,thọ khổ hay thọ trung tính.

 

    Tưởng có nghĩa gần như tưởng nhớ,có nhiệm vụ đánh dấu một đối tượng để trong tương lai nếu gặp lại chúng ta sẽ nhận ra ngay.

 

    Hành là người tạo tác hay cái được tạo tác.

 

    Thức là cái biết đối tượng, nó luôn được kèm theo với thọ, tưởng và hành.

 

     Những yếu tố trên do nhân duyên kết hợp lại mà thành con người, khi duyên tan thì chẳng có cái gì gọi là con người nữa. Cả Thân lẫn Tâm đều không có cái gì gọi là Ta  cả. Cái gọi là Ta chỉ là giả vọng. Giả vọng không phải là không có nhưng là không có thật. Lý giải về vấn đề này có một ví dụ của Phật Giáo như sau :

 

     Trong đêm tối ta thấy đoạn giây thừng ,vì nhìn không rõ nên ta tưởng là con rắn ,nhưng khi đốt đèn lên thấy rõ sợi dây thừng thì ảo giác con rắn liền tiêu tan ngay.

 

     Cái gọi là Ta không phải không có như cái mà ta gọi là con rắn.Con rắn thật thì không có nhưng có sợi dây thừng thật. Bảo là con rắn thì sai nhưng bảo là không có gì cũng sai.Phi hữu phi không ,có mà không không mà có .Cái Ta không có thật nhưng mà có. Mê thì thấy là ta mà khi tỉnh ngộ thì lại là chân tánh.

 

     Ta chỉ là sự kết hợp của năm uẩn, khi quán sát từng uẩn chúng ta sẽ nhận ra rằng không có gì còn lại, không có linh hồn ,không có tự ngã ngoài các uẩn.Như chuyện của du sĩ Saccaka ,một người sống cùng thời với Đức Phật. Ông này là một nhà tranh luận nổi tiếng đã từng tự hào là nếu ông có tranh luận với một tảng đá thì tảng đá cũng phải toát mồ hôi vì sợ. Ông ta tìm đến Đức Phật và nói là có Ngã (Atta), năm uẩn là tự ngã. Đức Phật hỏi : Ông có cho rằng Sắc là tự ngã không?( Rất tình cờ là Saccaka rất xấu trai)nếu Sắc là tự ngã thì tại sao ông không làm cho ông đẹp trai hơn đi ? Nếu Saccaka có một Atta, ông ta có thể kêu gọi nó vận dụng quyền lực và sức mạnh để thay đổi diện mạo của mình, nhưng đây là một việc không thể, không ai làm được , do đó Sắc không phải là tự ngã .

 

    Chúng ta không thể bảo xác thân ta đừng già nữa, đừng đau ốm nữa ,đừng có những cảm thọ đau buồn ,đừng suy nghĩ những chuyện lung tung nữa . . . nhưng không thể được vì chúng ta đâu có quyền lực gì đối với chúng , chúng ta hoàn toàn bất lực trước sư sanh diệt của vạn pháp và chúng ta phải chấp nhận tất cả sự việc xảy đến với mình dù đau khổ hay hạnh phúc ; Như vậy thì sao lại có thể bảo rằng ngũ uẩn là tự ngã?  

 

 Rõ ràng là tất cả các uẩn đều phải chịu tuân theo những qui luật của vô thường , khổ và vô ngã. Chúng phụ thuộc hoàn toàn vào nhau và các thành phần của mỗi uẩn làm duyên hay tạo điều kiện cho sự khởi sanh của nhau.

 

     Như khi chúng ta nhìn thấy một cái gì thì đầu tiên là cái đó đi vào lộ nhãn và nhãn thức khởi lên để ta thấy ,biết được vật ấy. Cái vật được thấy đó có thể gây cho ta cảm thọ vui hay buồn hoặc không vui không buồn, cái vật ấy cũng được ghi dấu (tưởng) để ta có thể nhận ra nó sau này và có một trạng thái tâm phải vận dụng (hành) nhằm tạo ra một nỗ lực nào đó để thấy. Như vậy là chỉ trong cái thấy chúng ta đã có thể tìm được cả năm uẩn và năm uẩn ấy cũng hiện diện trong việc kinh nghiệm cái nghe, ngửi ,nếm, xúc chạm.

 

    Trong kinh sách của Phật Giáo chúng ta thường thấy câu :Các uẩn bị chấp thủ (Chấp thủ là nắm giữ chắc một cái gì)  thì thủ là một trạng thái tâm ,với trạng thái tâm này chúng ta nắm giữ các đối tượng (chấp thủ)giả như thấy một vật đẹp ta sinh lòng ham muốn khao khát có được vật ấy .Trong trường hợp này ta chấp thủ vào đối tượng bằng sự tham ái. Còn nếu cho rằng có một cái Ta thường hằng hay một linh hồn trường cửu rồi chấp thủ vào đó thì ta đã chấp thủ bằng tà kiến. Để dễ hình dung có thể nói khi ta cho rằng cái này là” của ta” tức là ta đang chấp thủ bằng tham ái, nhưng khi nói cái này là “ta” thì ta đang chấp thủ bằng tà kiến.

 

    Phật Giáo chủ trương Vô Ngã ,chúng sinh vô minh lại Chấp Ngã ,vì thế mới sinh ra kiêu mạn ,đố kỵ,ác độc, hận thù, tham lam ích kỷ. . . cùng vô số điều bất thiện khác và đó là nguyên nhân gây ra bất hạnh cho con người.

 

                Không nghĩ là của tôi

 

                 Sẽ không còn tham ái.

 

                 Không tưởng tôi là Tôi

 

                 Tà kiến sẽ tiêu trừ

 

                 Không tham ái, tà kiến

 

                 Là vô ngã vô ưu.

 

   Bài này kết thúc bằng ba câu chuyện :

 

   1/ Vô ngã.

 

        Một nhà sư ngồi yên lặng nhìn lên bệ Phật không đón chào một viên tướng hung hăng tàn bạo. Viên tướng tức giận rút kiếm thét vào mặt nhà sư :

 

       -Ngươi có biết ta là ai không?Ta có thể chém đứt đôi thân hình của ngươi trong nháy mắt đấy! Biết chứ ?

 

       Nhà sư nhẹ nhàng quay mình lại và nói bằng một giọng từ tốn:

 

       -Còn ta, ta biết mình có thể bị chém đứt làm hai khúc bất cứ lúc

 

nào.

 

   2/ Tà kiến.

 

       Thi hào Tô Đông Pha kết giao với một thiền sư ở bên kia sông. Một hôm thiền sư qua thăm nhưng Tô Đông Pha đi vắng,thiền sư viếng thư phòng thấy trên bàn có tờ giấy ghi : “ Tô Đông Pha ,người phật tử chân chính mà tám ngọn gió cũng không làm lay động được sợi lông chân ,”

 

        Sẵn có cây bút kế bên, thiền sư liền đề vào bên dưới :”Cái rắm”.

 

        Tô Đông Pha về thấy vậy thì giận lắm bèn qua sông gặp thiền sư để hỏi cho ra lẽ. Thiền sư chỉ tủm tỉm cười bảo :

 

       -Tám ngọn gió không lay động được sợi lông chân mà sao chỉ có một cái rắm đã đẩy được thí chủ bay sang sông vậy?

 

   3/Tham ái.

 

     Nhà vua thay đổi y phục như thường dân và tu sĩ thì quấn khố tay ôm bình bát.Cả hai sánh đôi vừa đi vừa đàm đạo về triết lý. Tu sĩ giảng giải là muồn được giải thoát thì nhà vua phải từ bỏ cung vàng điện ngọc. . . Nhà vua gật đầu : “ Được lắm, tôi sẽ làm như vậy.”

 

       -“ Nhưng bao giờ thì ngài sẽ làm?”

 

       -“Ngay bây giờ đây thôi .”

 

     Tu sĩ kinh ngạc nhưng không nói gì lại tiếp tục đi. Bất chợt có một kẻ bất lương xông ra cướp lấy cái bình bát rồi chạy mất. Tu sĩ nổi giận chửi một tràng dài với những lời lẽ thô tục nhất. Nhà vua cười:

 

       -Ông chỉ có một cái bình bát thôi mà còn gắn bó vào nó hơn cả tôi đối với  cung vàng điện ngọc !

 

   

 

          Đạo Sĩ

AcDieu

Tin vui

Tin Buồn

Bài Củ

06-2014

05-2014

04-2014

03-2014

02-2014

01-2014

RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
BBc_Tieng_Viet

TIME